Ở bài viết trước chúng ta đã được thấy những công dụng tuyệt vời mà tỏi đen mang lại. Tuy nhiên, giá thành để mua tỏi đen trên thị trường lại khá cao và có rất nhiều đơn vị sản xuất, khiến việc lựa chọn gặp đôi chút khó khăn. Tuy nhiên với 02 cách làm tỏi đen tại nhà dưới đây bạn vẫn có được những củ tỏi đen thơm ngon, chất lượng mà lại rất đơn giản và ít tốn kém.
1. Cách làm tỏi đen tại nhà bằng nồi cơm điện
Chuẩn bị nguyên liệu:
- 01 kg tỏi tươi
- 01 lon bia
- 01 cuộn giấy bạc
- 01 chiếc nồi cơm điện
Chọn tỏi
Chọn tỏi tươi
Đây là 1 bước rất quan trọng vì việc lựa chọn tỏi quyết định rất nhiều đến chất lượng của tỏi đen sau khi hình thành. Bạn nên chọn các củ tỏi to vừa phải, tròn đều, đẹp và không bị bầm dập hay xây xát. Nên chọn tỏi cô đơn (hay còn gọi là tỏi 1 nhánh) để làm tỏi đen vì có nhiều dưỡng chất, dễ chế biến và dễ bóc vỏ. Nếu không mua được tỏi cô đơn thì có thể chọn tỏi tép để thay thế. Chọn tỏi tép cũng nên chọn những củ lớn có tép tỏi to và đều nhau.
Với cách làm tỏi đen tại nhà này thì nguyên liệu chuẩn bị rất đơn giản. Bia và giấy bạc các bạn có thể tìm mua ở các cửa hàng, chọn loại bia nào cũng được nhé.
Nồi cơm điện bạn nên lấy nồi ít dùng để nấu cơm hàng ngày, vì thời gian ủ tỏi khá lâu mất khoảng 15 ngày.
Làm sạch tỏi và lên men cho tỏi
Khi mua tỏi về bạn cần bóc lớp vỏ ngoài của tỏi để làm sạch bụi bẩn, cuống tỏi dài quá có thể cắt bỏ. Nếu tỏi đang trong trạng thái ẩm thì nên phơi khô để không làm ảnh hưởng đến chất lượng tỏi đen.
Đổ bia lên tỏi
Cho tỏi ra 1 chiếc thau sạch rồi đổ bia lên tỏi. Không đổ quá nhiều bia, cứ mỗi 5 phút lại đổ bia 1 lần. Mỗi lần đổ dùng tay trộn đều tỏi để bia được thấm đều vào bên trong tỏi. Làm như vậy trong 30 phút rồi vớt tỏi ra để cho ráo bia khoảng 5 phút. Khi vớt tỏi ra không nên để tỏi lâu quá ngoài không khí, bia sẽ bị bay hơi và không đảm bảo chất lượng.
Dùng giấy bạc bọc kín tỏi lại, không nên bọc nhiều quá. Chỉ nên bọc từ 1 đến 2 lớp giấy bạc để làm sao kín hết được số lượng tỏi.
Tiến hành ủ tỏi
Sau khi đã bọc tỏi xong các bạn cho vào nồi cơm điện. Nên sử dụng màng bọc thực phẩm, bọc kín xung quanh vung nồi điện để giữ nhiệt tốt hơn.
Bọc tỏi bằng giấy bạc và cho vào nồi
Bật nút warm (chế độ giữ ấm không phải chế độ nấu) rồi ủ trong 2 tuần, cắm liên tục và không rút điện. Bạn có thể kiểm tra tỏi hàng ngày bằng cách mở vung nồi ra xem. Tuy nhiên chỉ kiểm tra trong khoảng 5 phút rồi đóng lại ngay để đảm bảo chất lượng.
Sau 14 – 15 ngày là chúng ta đã có những miếng tỏi đen thơm ngon và bổ dưỡng. Thật đơn giản mà hiệu quả phải không nào.
Ngoài ra, nếu gia đình bạn không dư ra 1 chiếc nồi cơm điện thì có thể dùng nồi áp suất để thay thể được nhé. Cách làm cũng tương tự như vậy thôi.
2. Cách làm tỏi đen tại nhà bằng nồi chuyên dụng
Chuẩn bị nguyên liệu:
- 01 – 1,2 kg tỏi tươi
- 01 chiếc nồi chuyên dụng
Cách làm tỏi đen tại nhà bằng nồi chuyên dụng
Về cách chọn tỏi cũng tương tự như cách 1, nên chọn các củ tỏi to đều nhau, săn chắc và tròn đẹp.
Ở bước lên men cho tỏi các bạn có thể dùng hoặc không dùng bia cũng được. Vì trong nồi chuyên dụng đã có sẵn chế độ lên men cho tỏi rồi. Tuy nhiên các bạn vẫn cần phải làm sạch tỏi, tránh bụi bẩn và làm khô tỏi như ở trên trước khi cho vào nồi.
Bên trong chiếc nồi chuyên dụng đã có các khay đựng tỏi nên cũng không cần dùng giấy bạc để bọc tỏi làm gì. Chỉ cần xếp tỏi lên khay và đặt vào nồi là được, rất đơn giản và tiện lợi.
Trên thân chiếc nồi cũng đã có hướng dẫn rất chi tiết từng bước khi sử dụng. Các bạn chỉ cần nhấn nút và chọn chế độ cho tỏi là xong.
Với cách làm tỏi đen này các bạn chỉ mất 10 – 12 ngày là đã có thể sử dụng tỏi đen rồi. Nếu tỏi là tỏi tép nhánh thì thời gian hình thành tỏi đen còn nhanh hơn nữa đấy các bạn.
3. Ưu, nhược điểm của cách làm tỏi đen tại nhà
Ưu điểm
- Cả 2 cách làm tỏi đen đều rất đơn giản mà ai cũng có thể làm được.
- Chi phí được tiết kiệm hơn so với mua trực tiếp tỏi đen trên thị trường.
- Tuân thủ các bước làm và làm cẩn thận thì sẽ đem lại chất lượng rất tốt và an toàn cho người sử dụng.
Nhược điểm
- Làm thủ công dễ làm cho tỏi bị ướt khiến chất lượng của tỏi đen bị giảm xuống.
- Trong thời gian ủ tỏi lỡ mất điện quá lâu có thể dẫn đến hỏng và có thể phải vứt bỏ tỏi
Tỏi đen sau khi lên men thành công
4. Lưu ý với cách làm tỏi đen tại nhà
Nếu làm tỏi đen có dùng bia thì chỉ nên ngâm trong 30 phút, cứ mỗi 5 – 10 phút đảo tỏi 1 lần. Tránh để bia và tỏi ở ngoài không khí quá lâu.
Vệ sinh nồi làm tỏi sạch sẽ, trong quá trình làm nên để nồi nơi thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời chiều trực tiếp.
Đảm bảo nguồn điện vào nồi luôn ổn định.
Tránh mở nắp nồi quá nhiều khi ủ tỏi, điều này làm giảm chất lượng của tỏi vì như vậy quá trình lên men sẽ không ổn định.
Sau khi quá trình lên men mà tỏi vẫn còn ướt thì bạn có thể ủ thêm vài ngày cho đến khi tỏi khô và sử dụng.
Để bảo quản tỏi đen được tốt nhất, bạn nên cho toàn bộ túi tỏi đen vào 1 chiếc hộp đựng giấy hoặc hộp đựng thực phẩm rồi đóng kín.
5. Kết luận
Như vậy mình đã giới thiệu chi tiết về 02 cách làm tỏi đen tại nhà đơn giản, hiệu quả. Hy vọng các bạn đã hiểu được và lựa chọn cho mình cách làm phù hợp.
Chúc các bạn thực hiện thành công và sở hữu cho mình một loại thực phẩm rất tốt cho sức khỏe này nhé.